Bệnh viêm phế quản phổi hay viêm phổi ở trẻ em là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp, là nguyên nhân chính dẫn đến phải nhập viện do biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong…
Cha mẹ cần nắm được những biểu hiện của viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ để có thái độ xử trí đúng cách sớm nhất cho trẻ.
Đôi nét về bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em
Viêm phế quản phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi. Khi các túi khí bên trong phổi chứa nhiều mủ cùng các chất dịch khác sẽ khiến cho oxy khó tiếp cận được với máu. Phế quản phổi bị viêm sẽ gây ra tình trạng viêm bên trong phổi, khiến các phế nang chứa nhiều dịch lỏng.
Những chất dịch này làm suy yếu chức năng phổi và gây ra những vấn đề về đường hô hấp.
Thông thường, các dấu hiệu của bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho tới nặng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm trùng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Dấu hiệu của viêm phế quản phổi trẻ em
Viêm phế quản phổi trẻ em là bệnh nhiễm trùng phổi, khi tình trạng các túi khí bên trong phổi hay còn gọi là phế nang chứa nhiều mủ và các chất dịch khá, khiến phổi khó khăn trong việc trao đổi khí.
Các vấn đề về hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các triệu chứng, dấu hiệu của viêm phế quản phổi bắt đầu từ nhẹ đến nặng. Tùy vào tình trạng, thể trạng của từng trẻ mà trẻ bị viêm phế quản phổi sẽ có các dấu hiệu điển hình như:
- Thở nhanh: Chúng ta có thể đếm được nhịp thở của trẻ trong trọn một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không.
- Thở khò khè.
- Thở rút lõm lồng ngực.
- Ho.
- Sốt cao hoặc hạ nhiệt độ.
- Nghẹt mũi.
- Cảm giác ớn lạnh.
- Nôn, buồn nôn.
- Ngực đau.
- Bụng đau.
- Trẻ ít hoạt động, lười hoạt động, thậm trí li bì, khó đánh thức.
- Trẻ mất cảm giác thèm ăn, ăn kém, bị mất nước.
- Có tím môi, móng tay, chân.
Khi trẻ đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến Cơ sở Y tế thăm khám và điều trị ngay.
Chăm sóc, phòng ngừa trẻ bị viêm phế quản phổi như thế nào?
Trẻ bị viêm phế quản phổi cần chăm sóc đúng cách và phòng ngừa bệnh cho trẻ như sau:
- Cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước. Cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Bổ sung vitamin D, kẽm.
- Đảm bảo nơi ở của trẻ phải thoáng mát, hợp vệ sinh.
- Giữ gìn môi trường sống của trẻ không thuốc lá, khói bụi.
- Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
- Thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý.
- Giữ ấm về mùa đông, khi trời trở lạnh.
- Rửa tay.
- Phát hiện sớm và điều trị dứt điểm các bệnh về hô hấp cấp và mãn tính.
- Biết khi nào cần đưa trẻ tái khám: Tái khám theo hẹn sau 2 ngày để đánh giá xem hiệu quả điều trị có tốt hay không hoặc khám lại ngay nếu thấy trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau: Thở khó khăn hơn (thở nhanh hơn, thở co lõm lồng ngực), trẻ không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt hơn.
- Tránh tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp tính.